Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) thông báo đã bắt đầu xây dựng trang trại năng lượng mặt trời ngoài khơi lớn nhất tại cảng Hải Tân, thành phố Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô.
Theo Hoàn Cầu Thời Báo, dự án này có tổng vốn đầu tư 9,88 tỷ nhân dân tệ (35,3 nghìn tỷ đồng), dự kiến sẽ tạo ra khoảng 2 tỷ kilowatt giờ điện hàng năm, tiết kiệm khoảng 680.000 tấn than và giảm 1,77 triệu tấn CO2 mỗi năm. Dự án sẽ được kết nối với lưới điện quốc gia vào tháng 9/2024, với công suất tối đa đạt được vào năm 2025.
Ông Lin Boqiang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Năng lượng tại Đại học Hạ Môn, cho rằng dự án này là một minh chứng quan trọng cho việc sản xuất điện mặt trời ngoài khơi, đặc biệt là do vị trí gần các khu vực có nhu cầu điện cao. Ông Lin nhận định:
“Vì các khu vực ven biển phía đông nam phát triển nhanh và có nhu cầu điện lớn, tiềm năng cho các trang trại năng lượng mặt trời ngoài khơi là rất lớn.”
Theo Hội đồng Điện lực Trung Quốc, năm 2023, 58,4% tổng sản lượng điện của Trung Quốc đến từ các nhà máy điện đốt than, 4,8% từ năng lượng hạt nhân, 8,8% từ gió và 4,9% từ năng lượng mặt trời.
Các nhà phân tích tại tập đoàn tài chính Global X ETFs (Hàn Quốc) cho rằng năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo có thể bổ sung cho nhau. Họ nhấn mạnh:
“Các hệ thống năng lượng lai tái tạo-hạt nhân có thể khai thác lợi ích của từng công nghệ để tạo ra nguồn năng lượng bền vững và đáng tin cậy.”
Sản xuất ổn định từ các nhà máy điện hạt nhân có thể bù đắp cho sự không liên tục của trang trại năng lượng mặt trời, vốn có mức sử dụng công suất trung bình là 29%. Chi phí trung bình suốt đời của năng lượng mặt trời là 33,80 USD/MWh, thấp hơn nhiều so với 81,70 USD/MWh của các nhà máy hạt nhân tiên tiến, theo South China Morning Post.
Các nhà phân tích nhấn mạnh, việc kết hợp phát triển hai loại năng lượng sạch này, cùng với khả năng cung cấp nhiệt hoặc làm mát, khử muối nước biển và sản xuất hydro xanh, sẽ giúp các dự án đạt được cả an ninh năng lượng và tăng cường cạnh tranh về chi phí.
Quick Links
Legal Stuff