Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tổng đầu tư vào năng lượng trên toàn cầu năm nay dự kiến sẽ lần đầu tiên vượt mức 3.000 tỷ USD. Đáng chú ý, trong số này, khoảng 2.000 tỷ USD sẽ được dành cho các công nghệ năng lượng sạch.
Báo cáo Đầu tư Năng lượng Thế giới hàng năm của IEA cho thấy, đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng năng lượng sạch dự kiến đạt 2.000 tỷ USD trong năm nay, gấp đôi so với số tiền dành cho nhiên liệu hóa thạch. Năm ngoái, lần đầu tiên, đầu tư vào năng lượng tái tạo và lưới điện đã vượt qua mức chi cho nhiên liệu hóa thạch.
Cụ thể, đầu tư vào năng lượng sạch tại Trung Quốc ước tính đạt 675 tỷ USD, châu Âu là 370 tỷ USD và Mỹ là 315 tỷ USD. Điện mặt trời (quang điện) tiếp tục thu hút lượng đầu tư lớn nhất trong số các công nghệ sản xuất điện, với dự kiến đạt 500 tỷ USD vào năm 2024. Đầu tư vào năng lượng tái tạo và hạt nhân để sản xuất điện được dự báo sẽ gấp 10 lần so với đầu tư vào năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, trong đó Trung Quốc là nước đầu tư lớn nhất.
Giám đốc điều hành IEA, ông Fatih Birol, cho biết: “Sự gia tăng chi tiêu cho năng lượng sạch là nhờ kinh tế phát triển mạnh mẽ, cũng như những cân nhắc về an ninh năng lượng”. IEA cũng nhận định rằng, để đáp ứng các mục tiêu toàn cầu về giảm lượng khí thải carbon, cần phải tăng gấp đôi đầu tư vào năng lượng tái tạo trên toàn thế giới vào năm 2030.
Tuy nhiên, IEA cũng cảnh báo về “sự mất cân bằng và thiếu hụt lớn trong đầu tư năng lượng ở nhiều nơi trên thế giới”. Báo cáo cho biết, đầu tư vào dầu khí toàn cầu dự kiến sẽ tăng 7% trong năm 2024, lên 570 tỷ USD, chủ yếu tại Trung Đông và châu Á. Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển vẫn còn ít đầu tư vào năng lượng tái tạo, với chỉ khoảng 300 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng ở những quốc gia này. Ông Birol nhấn mạnh: “Cần phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo rằng khoản đầu tư sẽ đến được những nơi cần thiết nhất”.
Một thách thức lớn đối với mục tiêu năng lượng sạch ở châu Á là sự bùng nổ của các trung tâm dữ liệu. Nhật Bản đang gặp khó khăn trong việc đạt được các mục tiêu khử carbon khi sự phát triển nhanh chóng của các trung tâm dữ liệu làm tăng nhu cầu về điện. Cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đòi hỏi một lượng điện năng lớn, cả để xử lý dữ liệu số và làm mát phần cứng.
Theo Viện Nghiên cứu Công nghiệp Điện lực Trung ương của Nhật Bản, mức tiêu thụ điện của các trung tâm dữ liệu ở nước này dự kiến tăng lên tới 105 terawatt/giờ vào năm 2040, tăng khoảng 5 lần so với mức 20 terawatt/giờ vào năm 2021, và lên tới 211 terawatt/giờ vào năm 2050. Dữ liệu của Chính phủ cho thấy, tổng mức tiêu thụ điện của Nhật Bản trong năm tài chính 2022 là khoảng 900 terawatt/giờ.
Các công ty công nghệ nước ngoài như Microsoft, Amazon Web Services và Oracle dự kiến sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào Nhật Bản trong những năm tới. Các trung tâm dữ liệu lớn chủ yếu được đặt tại Tokyo và Osaka, nhưng cũng đang được xây dựng ở các khu vực khác như đảo Hokkaido ở phía Bắc.
Hàn Quốc cũng đang phải đối mặt với thách thức tương tự khi phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu và đang nỗ lực xây dựng năng lực năng lượng tái tạo. Số lượng trung tâm dữ liệu dự kiến sẽ tăng mạnh trong nước khi các công ty công nghệ trong nước và toàn cầu, bao gồm Naver, Kakao và Equinix, gấp rút thành lập các trung tâm của riêng mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về điện toán AI.
Việc khử carbon trong ngành điện là chìa khóa nếu Nhật Bản muốn đáp ứng cam kết giảm 46% lượng phát thải khí nhà kính vào năm tài chính 2030 so với mức của năm tài chính 2013 và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Quick Links
Legal Stuff