TRANG CHỦSỰ KIỆN - ĐẦU TƯNHIỆT ĐIỆN - ĐIỆN KHÍQUY ĐỊNH - CHÍNH SÁCHNĂNG LƯỢNG TÁI TẠOĐIỆN RÁC - SINH KHỐI

Phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới: Tiềm năng khai thác tại Việt Nam và một số khuyến nghị

Wattdaily
22/05/2024
8 phút đọc
Phát triển năng lượng tái tạo trên thế giới: Tiềm năng khai thác tại Việt Nam và một số khuyến nghị

Bài viết khái quát xu hướng phát triển NLTT trên thế giới và chỉ ra tiềm năng cũng như thực trạng phát triển trong phát triển lĩnh vực này ở Việt Nam, từ đó đề xuất một số khuyến nghị liên quan.

GIỚI THIỆU

Năng lượng đã đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của con người. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 đã thúc đẩy quá trình sản xuất và sử dụng năng lượng. Công nghiệp hóa đã làm tăng nhu cầu năng lượng toàn cầu, đặc biệt là năng lượng tái tạo (NLTT). NLTT được sinh ra từ những nguồn liên tục và được coi là vô hạn như năng lượng mặt trời, gió, mưa, thủy triều, sóng và địa nhiệt. Nguyên tắc cơ bản của việc sử dụng NLTT là tách một phần năng lượng từ các quy trình tự nhiên liên tục để áp dụng vào lĩnh vực kỹ thuật.

NLTT là năng lượng được tạo ra từ các nguồn liên tục, vô hạn như gió, mưa, mặt trời, sóng biển, thủy triều và địa nhiệt. NLTT còn được biết đến là năng lượng sạch hoàn toàn hoặc năng lượng tái sinh. Trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu và phát triển nền “kinh tế xanh” đang là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới, NLTT ngày càng được chú trọng. Do đó, Việt Nam cần phát triển nhanh hơn nữa NLTT, vừa tạo thế cạnh tranh trong thời kỳ “kinh tế xanh,” vừa là điểm then chốt để đạt mục tiêu “phát triển bền vững” của đất nước và cải thiện môi trường, khí hậu, bảo vệ sức khỏe người dân về lâu dài.

XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN NLTT TRÊN THẾ GIỚI

Thị trường EU

Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, theo số liệu nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), châu Âu là khu vực đi đầu trong việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng theo hướng phát triển nguồn năng lượng sạch.

Năm 2023, NLTT chiếm xấp xỉ 20% cơ cấu sản xuất năng lượng của toàn châu Âu. Trong giai đoạn 2023-2027, châu Âu dự kiến lắp đặt 129 GW điện gió, trong đó 98 GW triển khai trên lãnh thổ các nước thuộc Liên minh EU. Với quyết tâm mạnh mẽ trong việc chuyển đổi ngành năng lượng, châu Âu đặt mục tiêu tăng tỷ trọng nguồn NLTT và năng lượng sinh học lên 60% vào năm 2030 và tăng cường công suất điện gió ngoài khơi lên gấp 25 lần vào năm 2050, để đạt mục tiêu trung hòa khí thải carbon năm 2050.

Thị trường Mỹ

Trong nghiên cứu “Triển vọng NLTT” do Cơ quan Thí nghiệm NLTT quốc gia (NREL) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ tiến hành, Mỹ là một trong những nước sản xuất NLTT lớn nhất thế giới, đi tiên phong trong lĩnh vực này, có thể sản xuất điện năng phần lớn từ NLTT vào năm 2050. Hầu hết các nhà máy nhiệt điện than và điện hạt nhân sẽ ngừng hoạt động vào năm 2030, và những nhà máy còn lại sẽ hoạt động đến năm 2050. Theo nghiên cứu này, Mỹ có thể sản xuất ra 80% điện năng từ NLTT bằng công nghệ hiện có, bao gồm turbine gió, điện quang mặt trời, năng lượng sinh học, địa nhiệt và thủy điện. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành NLTT thay thế dần cho năng lượng hóa thạch càng cho thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế phải gắn liền với phát triển năng lượng bền vững, an toàn.

Thị trường Trung Quốc

Trung Quốc đã có một lịch sử phát triển rất ấn tượng về sử dụng NLTT cho phát triển nông thôn với một số chương trình lớn nhất thế giới như thủy điện nhỏ, bếp cải tiến và khí sinh học.

Theo tổng kết của Chương trình môi trường Liên hợp quốc về NLTT, năm 2004, Trung Quốc mới đầu tư 3 tỷ USD vào lĩnh vực này, nhưng đến năm 2015 đã tăng lên 103 tỷ USD, vượt qua cả Hoa Kỳ với 44,1 tỷ USD, chiếm khoảng 36% đầu tư của các nước trên toàn thế giới. Trong tổng kết kế hoạch 5 năm từ 2016-2020, tổng đầu tư của Trung Quốc vào ngành công nghiệp này đã lên đến hơn 360 tỷ USD. Theo Cục Quản lý năng lượng quốc gia Trung Quốc (NEA), năm 2021 tổng sản lượng điện từ các nhà máy năng lượng mặt trời và gió đạt 11% tổng sản lượng tiêu thụ điện cả nước, cao hơn năm 2020 (9,7%), và mục tiêu sẽ đạt 16,5% vào năm 2025. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng tỷ trọng của nhiên liệu tái tạo trong tiêu thụ năng lượng sơ cấp lên khoảng 25% vào năm 2030 (IEA, 2023).

TIỀM NĂNG KHAI THÁC NLTT TẠI VIỆT NAM

Là nền kinh tế có độ mở lớn và chịu ảnh hưởng từ xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển NLTT. Việt Nam hội tụ những đặc điểm địa lý và khí hậu lý tưởng cho việc sản xuất các loại NLTT như năng lượng mặt trời và gió.

Việt Nam được xem là một quốc gia có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời, đặc biệt ở miền Trung và miền Nam. Tổng bức xạ năng lượng mặt trời dao động từ 4,3-5,7 triệu kWh/m2. Ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, số giờ nắng đạt từ 2.000-2.600 giờ/năm, với bức xạ mặt trời trung bình 150 kcal/m2 chiếm khoảng 2.000-5.000 giờ/năm, và tiềm năng lý thuyết khoảng 43,9 tỷ TOE.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất trong 4 nước khu vực, với hơn 39% tổng diện tích có tốc độ gió trung bình hàng năm lớn hơn 6 m/s ở độ cao 65m, tương đương tổng công suất 512 GW. Hơn 8% diện tích có tiềm năng gió rất tốt, có thể tạo ra hơn 110 GW. Với ưu đãi về điều kiện thiên nhiên, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển 2.000 MW điện gió vào năm 2025 và 6.000 MW vào năm 2030.

Là một nước nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng sinh khối từ gỗ, phế thải nông nghiệp, chất thải chăn nuôi, rác thải đô thị và các chất hữu cơ khác. Theo Viện Năng lượng Việt Nam, tổng nguồn sinh khối khoảng 118 triệu tấn/năm. Trong đó, tiềm năng sinh khối gỗ năng lượng lên đến gần 25 triệu tấn, tương đương 8,8 triệu tấn dầu thô.

Tiềm năng sinh khối phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, trấu, bã mía và các nông sản khác lên đến gần 53,5 triệu tấn, tương đương 12,8 triệu tấn dầu thô. Theo Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng điện năng sản xuất từ điện sinh khối khoảng 1,2% và năm 2030 là 2,1%.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam là một trong số 14 nước đứng đầu về tiềm năng thủy điện. Việt Nam có hơn 120.000 trạm thủy điện, với tổng công suất ước tính đạt khoảng 300 MW. Với lợi thế đường biển dài, Việt Nam có nhiều tiềm năng khai thác năng lượng gió với tổng công suất ước đạt 513.360 MW. Các khu vực tiềm năng tập trung chủ yếu ở vùng duyên hải miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên như Ninh Thuận, Bình Thuận, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu và các đảo.

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NLTT TẠI VIỆT NAM

Kết quả đạt được

Trong những năm gần đây, sự phát triển NLTT tại Việt Nam đã ghi nhận những bước tiến đáng kể. Theo Cơ quan NLTT Quốc tế (IRENA), trong năm 2023, tổng công suất sản xuất NLTT của Việt Nam đạt 21,6 GW, trong đó năng lượng mặt trời chiếm hơn một phần ba tổng công suất nguồn NLTT lắp đặt.

Nhiều “ông lớn” trong ngành năng lượng đã đầu tư vào Việt Nam. Các nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời được đầu tư xây dựng và phát triển nhằm đáp ứng tiềm năng và nhu cầu sử dụng điện mặt trời ngày càng tăng.

Điển hình như First Solar, nhà sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời công nghệ màng mỏng nổi tiếng của Mỹ, đã đầu tư vào Việt Nam với 2 nhà máy tại huyện Củ Chi, TP.HCM. Với tổng số vốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD, First Solar sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời từ công nghệ màng mỏng với công suất tối đa lên đến 3.6 GW mỗi năm.

Trong lĩnh vực điện gió, nhiều dự án lớn đã được triển khai. Nhà máy điện gió Bạc Liêu là một trong những dự án lớn đầu tiên tại Việt Nam với tổng công suất 99.2 MW, sản xuất hơn 320 triệu kWh điện mỗi năm.

Với chính sách ưu đãi từ Chính phủ, nhiều địa phương đã thu hút được sự quan tâm đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các dự án phát triển NLTT đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần vào việc giảm phát thải khí CO2, tạo việc làm cho người dân và phát triển kinh tế địa phương.

Khó khăn và thách thức

Bên cạnh những thành tựu, việc phát triển NLTT tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Khung pháp lý chưa hoàn thiện: Mặc dù đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển NLTT, nhưng khung pháp lý vẫn còn nhiều bất cập. Các quy định về đấu thầu, cấp phép và thủ tục hành chính còn phức tạp, gây khó khăn cho các nhà đầu tư.

Vấn đề tài chính: Đầu tư vào NLTT đòi hỏi vốn lớn trong khi các nguồn tài chính trong nước còn hạn chế. Khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tài chính quốc tế cũng gặp khó khăn do quy định và thủ tục phức tạp.

Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ: Hạ tầng lưới điện còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển NLTT. Việc kết nối các nguồn NLTT vào lưới điện quốc gia còn gặp nhiều khó khăn do lưới điện chưa được nâng cấp và mở rộng kịp thời.

Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao: Để phát triển NLTT đòi hỏi đội ngũ kỹ sư, chuyên gia có trình độ cao. Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay vẫn thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.

KẾT LUẬN

Phát triển NLTT là xu hướng tất yếu và cần thiết để đảm bảo phát triển bền vững và an ninh năng lượng quốc gia. Việc khai thác và sử dụng hiệu quả NLTT không chỉ giúp giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Các chính sách hỗ trợ tài chính, thuế và khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới cũng cần được triển khai đồng bộ.

Việc hợp tác quốc tế và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước trong lĩnh vực NLTT cũng là một trong những giải pháp quan trọng giúp Việt Nam đẩy mạnh phát triển NLTT, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nền kinh tế xanh.

Theo: Tạp chí Kinh tế và Dự báo

Tin Khác

"Ông lớn" ngành năng lượng ngừng đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

Từ Khóa:

năng lượng tái tạokinh tế xanhnăng lượng sạchđiện gió ngoài khơikhí thải carbonnhà máy nhiệt điện thansản lượng điện
Tin Trước
Doanh nghiệp phải 'tự nguyện' giảm 30% mức tiêu thụ điện: EVN phản hồi như thế nào?

Tin Liên Quan

"Ông lớn" ngành năng lượng ngừng đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam
26/08/2024
1 phút
© 2024, All Rights Reserved.

Quick Links

Liên Hệ Quảng CáoVề Chúng TôiLiên Hệ

Social Media