TRANG CHỦSỰ KIỆN - ĐẦU TƯNHIỆT ĐIỆN - ĐIỆN KHÍQUY ĐỊNH - CHÍNH SÁCHNĂNG LƯỢNG TÁI TẠOĐIỆN RÁC - SINH KHỐI

Phải có chính sách giá với điện lưu trữ

Wattdaily
24/05/2024
3 phút đọc
Phải có chính sách giá với điện lưu trữ

Nếu sớm có chính sách về giá và đầu tư vào hệ thống lưu trữ năng lượng, năng lượng tái tạo ở Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, mang lại nhiều lợi ích cho hệ thống điện và hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi năng lượng, “xanh hóa” nguồn điện.

Trong kết luận về dự thảo nghị định của Chính phủ liên quan đến cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu xây dựng chính sách giá điện cho các dự án năng lượng kèm pin lưu trữ (BESS), nhằm mua điện vào giờ cao điểm thay vì chỉ khuyến khích phát triển pin lưu trữ năng lượng tái tạo.

Sốt ruột chờ chính sách năng lượng

Gần hai năm chờ đợi chính sách để lắp điện mặt trời (ĐMT) trên mái nhà xưởng, nhưng đến nay chưa có cơ chế, ông K., giám đốc một doanh nghiệp sản xuất tại TP.HCM, vẫn phải lắp ĐMT để đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ xanh. Khi được tư vấn đầu tư thêm hệ thống lưu trữ, ông K. ngần ngại vì cả ĐMT lẫn pin lưu trữ đều chưa có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp lắp đặt.

“Tôi đã làm việc với điện lực, đề nghị có biên bản ghi nhận đấu nối nhưng không được đồng ý vì chưa có chính sách. Do đó, tôi không dám đầu tư pin lưu trữ vì không biết cơ chế mới sẽ như thế nào, trong khi số tiền bỏ ra lên đến hàng tỉ đồng,” ông K. chia sẻ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp bán lẻ lớn tại Việt Nam cho hay doanh nghiệp buộc phải lắp đặt ĐMT trên mái các trung tâm thương mại để tự dùng, do các yêu cầu về chứng chỉ xanh và cam kết phát triển bền vững. Tuy nhiên, do chưa có chính sách mới, các địa phương áp dụng khác nhau: nơi cho phép hòa lưới kèm bộ ngăn phát điện dư lên lưới (zero export), nơi thì không.

“Dùng năng lượng tái tạo là giải pháp giảm phát thải carbon, nhưng đến nay vẫn còn khoảng trống chính sách,” vị này nói.

Ông Lưu Minh Đức, giám đốc Công ty TNHH Solar Miền Bắc, cho biết bên cạnh lắp đặt ĐMT trên mái nhà xưởng để tự dùng và giảm tiền điện, các doanh nghiệp cũng quan tâm đến hệ thống lưu trữ do giá pin lưu trữ đã giảm một nửa so với năm trước. Nhiều doanh nghiệp đã lắp từ vài chục đến cả trăm kW pin lưu trữ để sử dụng trong trường hợp cúp điện.

“Năm nay, việc lưu trữ bắt đầu tăng do giá giảm, nhưng doanh nghiệp vẫn chờ chính sách liên quan đến ĐMT mới quyết định đầu tư,” ông Đức nói thêm, cho biết không chỉ giá cạnh tranh hơn mà chất lượng pin lưu trữ cũng cải thiện.

Có chính sách, lưu trữ điện sẽ phát triển mạnh

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các chuyên gia và doanh nghiệp đều cho rằng giá pin lưu trữ giảm mạnh cùng với chính sách hỗ trợ sẽ thúc đẩy hệ thống này phát triển. Bà Phan Thị Thanh Thảo, giám đốc vận hành Công ty năng lượng IREX, cho biết trước đây khách hàng có điều kiện chỉ lắp lưu trữ để trải nghiệm giải pháp mới, nhưng hiện nay họ đã lắp lưu trữ để chủ động nguồn điện. Các hệ thống ĐMT kèm lưu trữ hiện có giá từ 16-30 triệu đồng/kW tùy theo hãng và tiêu chuẩn chất lượng.

Nhiều nhà máy lắp ĐMT không dùng hết công suất phát trong khi những ngày nghỉ, lễ không dùng nguồn ĐMT, dẫn đến lãng phí điện. Lưu trữ sẽ giúp ổn định nguồn ĐMT và giúp hệ thống điện quốc gia chủ động hơn.

Lãnh đạo một tập đoàn năng lượng cho biết, tỉ trọng năng lượng tái tạo cao đến 15% gây khó khăn cho điều độ và truyền tải. Hệ thống lưu trữ giải quyết tính bất ổn định của năng lượng tái tạo, giúp điều hòa sản lượng điện.

Dù giá đã giảm, chi phí sản xuất điện, lưu trữ và phát lại lên hệ thống vẫn tăng 2-3 lần so với đầu tư nguồn không lưu trữ. Vì vậy, cần có cơ chế khuyến khích, thậm chí bắt buộc, như yêu cầu tỉ lệ lưu trữ trên toàn bộ hệ thống nguồn ĐMT, đặc biệt trong khu vực thương mại và công nghiệp.

Cần có giá mua điện phù hợp với hệ thống lưu trữ lớn, tính đến đóng góp của lưu trữ cho truyền tải, điều độ.

“Mỗi kWh điện được đầu tư vào tích trữ là mỗi kW điện tái tạo tăng thêm trên hệ thống điện quốc gia, đóng góp tích cực vào lộ trình giảm phát thải của Việt Nam,” vị này phân tích.

Tin Khác

Sản lượng điện tháng 7 của EVN đạt 27,7 tỷ kWh

Từ Khóa:

chuyển đổi năng lượngcơ chế mua bán điện trực tiếppin lưu trữnăng lượng tái tạođiện mặt trờiphát thải carbonhệ thống điện quốc giasản lượng điện
Tin Trước
Thủ tướng: Đa dạng hoá nguồn điện, kể cả nhập khẩu

Tin Liên Quan

Sản lượng điện tháng 7 của EVN đạt 27,7 tỷ kWh
07/08/2024
3 phút
© 2024, All Rights Reserved.

Quick Links

Liên Hệ Quảng CáoVề Chúng TôiLiên Hệ

Social Media