Các nhà lập pháp Mỹ vừa đưa ra một dự luật nhằm ngăn chặn các nhà sản xuất tấm pin mặt trời từ Trung Quốc xây dựng nhà máy tại Mỹ. Theo thông tin từ Reuters, mục tiêu của nhóm lập pháp lưỡng đảng này là ngăn không cho các nhà sản xuất tấm pin mặt trời Trung Quốc nhận được các khoản trợ cấp từ chính phủ Mỹ nếu nhà máy của họ được xây dựng tại đây.
Trong năm 2022, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố một gói ưu đãi về năng lượng sạch, bao gồm các khoản giảm thuế và trợ cấp dành cho các doanh nghiệp xây dựng nhà máy tại Mỹ. Tuy nhiên, một số nhà sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời tại Mỹ cảm thấy khó cạnh tranh khi các công ty điện mặt trời lớn của Trung Quốc đang hoạt động tại Mỹ.
Các nhà lập pháp lo ngại rằng sự hiện diện quá lớn của Trung Quốc trên thị trường điện mặt trời toàn cầu có thể gây áp lực cho vị thế của Mỹ. Thượng nghị sĩ Sherrod Brown từ Ohio đã phát biểu: “Chúng ta không thể để tiền thuế của người Mỹ chảy vào tay doanh nghiệp Trung Quốc”. Dự luật này được đồng bảo trợ bởi thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jon Ossoff của Georgia và hai thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa là Rick Scott của Florida và Bill Cassidy của Louisiana.
Hiện tại, Trung Quốc đang chiếm ưu thế trong chuỗi cung ứng công nghệ năng lượng mặt trời, gió và pin. Theo số liệu từ Bloomberg NEF năm 2023, các công ty Trung Quốc sản xuất hơn 80% các linh kiện quan trọng và cung cấp hơn 95% tấm wafer (tấm silicon tinh thể) và ingot (thỏi đúc kim loại) cần thiết để lắp ráp các tấm pin mặt trời.
Mỹ muốn các nước không cung cấp công nghệ bán dẫn cho Trung Quốc
Không chỉ trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, Mỹ còn đang chuẩn bị công bố một văn bản mới trong tháng này nhằm mở rộng quy định về Sản phẩm trực tiếp nước ngoài. Quy định này sẽ khiến khoảng “nửa tá” nhà máy sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc không được nhận hàng xuất khẩu từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau nếu đang sử dụng công nghệ Mỹ dù trực tiếp hay gián tiếp. Tuy nhiên, danh sách cụ thể các nhà máy của Trung Quốc bị ảnh hưởng vẫn chưa được công bố.
Hà Lan và Nhật Bản, nơi có các nhà cung cấp bán dẫn hàng đầu là ASML và Tokyo Electron, không nằm trong quy định mới này. Cổ phiếu của cả hai công ty này đã tăng mạnh sau khi thông tin được công bố.
Phát ngôn viên Bộ Thương mại Mỹ cho biết: “Bộ Thương mại Mỹ liên tục đánh giá các vấn đề có thể đe dọa sự phát triển của ngành bán dẫn, cũng như thường xuyên cập nhật các biện pháp kiểm soát xuất khẩu khi cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia và hệ sinh thái công nghệ của Mỹ.”
Về phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lâm Kiếm cho rằng những nỗ lực của Mỹ đang “ép buộc các nước khác kìm hãm ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc”, cũng như làm suy yếu thương mại toàn cầu và gây tổn hại cho các bên. Ông hy vọng các quốc gia liên quan sẽ phản đối nếu quy định mới được ban hành để bảo vệ những lợi ích lâu dài.
Lâm Kiếm nói: “Việc ngăn chặn và đàn áp mà Mỹ đang thực hiện không thể ngăn cản sự phát triển, mà chỉ tăng cường quyết tâm và khả năng phát triển khả năng tự chủ về khoa học và công nghệ của Trung Quốc.”
Quy định Sản phẩm trực tiếp nước ngoài của Mỹ quy định rằng nếu một sản phẩm được sản xuất bằng phần mềm hoặc công nghệ của Mỹ, chính phủ Mỹ có quyền ngăn chặn việc bán sản phẩm đó, bao gồm cả những sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài. Quy định này có từ năm 2019 và áp dụng chủ yếu lên Huawei, trước khi mở rộng sang một số công ty bán dẫn Trung Quốc khác vào năm 2022.
Theo các chuyên gia, Mỹ đang cố gắng cản trở mục tiêu tự chủ về bán dẫn mà Trung Quốc đang đẩy mạnh, trong đó có các đột phá gần đây về tự sản xuất chip, siêu máy tính và AI.
Ảnh bìa: Một công nhân của Mission Solar ở San Antonio, Texas, đang kiểm tra lớp phủ bảo vệ của tấm pin mặt trời. Ảnh: Texas Tribune
Quick Links
Legal Stuff