“Không được lãng phí nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. 154 dự án điện mặt trời sau khi khắc phục sai phạm xong sẽ được cập nhật vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8”.
Đây là chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trong cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc về việc bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thông điệp này từ Chính phủ đã thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Theo chuyên gia năng lượng Nguyễn Hoàng Dũng, hầu hết các doanh nghiệp bị “thanh tra” đều rơi vào giai đoạn 2019-2020 khi họ triển khai hàng ngàn MW điện mặt trời để kịp hưởng cơ chế mua bán điện ưu đãi trong 20 năm (giá FIT).
Trong giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp vừa phải thi công vừa gấp rút hoàn thiện các thủ tục hành chính để đảm bảo tiến độ. Nhiều dự án đã phải chạy đua với thời gian để được vận hành thương mại đúng hạn theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, cuối năm 2020 và đầu năm 2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã gây khó khăn cho công tác nghiệm thu. Mọi hoạt động bị đình trệ do các Chỉ thị giãn cách xã hội của Thủ tướng Chính phủ nhằm phòng chống dịch.
Kể từ khi Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận về việc thực hiện Quy hoạch điện 7 và điều chỉnh vào năm ngoái, nhiều dự án điện đã rơi vào bế tắc do thiếu cơ sở pháp lý vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Điều quan trọng là sau khi có kết luận thanh tra chỉ ra sai phạm, cần có các biện pháp xử lý tích cực cho doanh nghiệp. Thực tế, các chủ đầu tư đã bỏ ra nguồn lực lớn, lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng để thực hiện các dự án năng lượng sạch. Chuyên gia năng lượng cho rằng, đối với những vi phạm mang tính hành chính, nếu doanh nghiệp đã khắc phục, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nên tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch, cho phép các dự án được bán điện, đảm bảo dòng tiền cho dự án và các phương án tài chính mà doanh nghiệp đã đầu tư. Khi nguồn tài chính bị suy giảm, doanh nghiệp sẽ không thể đảm bảo đời sống cho người lao động, chất lượng vận hành dự án sẽ giảm sút, ảnh hưởng đến an ninh và an toàn hệ thống điện.
Vì vậy, các doanh nghiệp kỳ vọng tinh thần chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà sẽ được các tỉnh và bộ ngành liên quan thực hiện nghiêm túc, tránh tình trạng sợ trách nhiệm, không rõ ràng trong phương án xử lý dẫn đến trì trệ, khiến doanh nghiệp mất niềm tin. Không có nguồn thu, doanh nghiệp không thể hoàn thành nghĩa vụ thuế và trả nợ, thậm chí đối mặt với nguy cơ phá sản.
Quick Links
Legal Stuff