Sự bất ổn chính trị gần đây ở hai quốc gia sản xuất dầu lớn, Iran và Saudi Arabia, liệu có tác động mạnh mẽ đến giá dầu?
Mặc dù có những sự kiện lớn xảy ra ở Trung Đông, Bloomberg nhận xét rằng “giao dịch dầu toàn cầu đang tương đối mờ nhạt”. Giá dầu Brent hiện tại gần 84 USD/thùng và giá dầu WTI ổn định ở mức gần 80 USD. Cả hai thị trường này đều dao động nhẹ, vậy tại sao lại như vậy?
Các chuyên gia cho rằng chính sách dầu mỏ của Iran sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự ra đi đột ngột của Tổng thống Raisi, vì Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei nắm quyền quyết định cuối cùng về mọi vấn đề của nhà nước Iran, bao gồm cả ngành dầu mỏ. Với Saudi Arabia, nhà phân tích Saul Kavonic tại MST Marquee (Úc) cho rằng thị trường thế giới đã quen với sự lãnh đạo của Thái tử Mohammed Bin Salman trong lĩnh vực năng lượng của quốc gia này.
Theo Saul Kavonic, “Saudi Arabia được kỳ vọng sẽ tiếp tục chiến lược dầu mỏ bất kể vấn đề sức khỏe của Quốc vương nước này”.
Số liệu của Reuters cho thấy xuất khẩu dầu thô của Saudi Arabia đã tăng tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 3 vừa qua, đạt mức cao nhất trong vòng 9 tháng.
Mặc dù có sự chú ý đổ dồn vào Trung Đông, giá dầu vẫn không biến động nhiều do các nhà đầu tư dự đoán về cuộc họp của OPEC+ vào ngày 1 tháng 6. Cuộc họp này sẽ thiết lập chính sách sản lượng, bao gồm việc có nên gia hạn mức cắt giảm 2,2 triệu thùng mỗi ngày của một số thành viên hay không.
Khối OPEC+ có thể tiếp tục cắt giảm sản lượng nếu nhu cầu dầu không tăng. Kỳ vọng về việc này có thể là lý do khiến giá dầu không mấy biến động trước tình hình chính trị tại Trung Đông.
Warren Patterson, nhà phân tích chiến lược hàng đầu tại ngân hàng ING (Hà Lan), nhận xét:
“Thị trường dường như ngày càng tê liệt trước những diễn biến địa chính trị, có thể là do lượng công suất dự phòng lớn mà OPEC đang sử dụng”.
Ngoài OPEC, các nhà đầu tư cũng đang tập trung vào diễn biến kinh tế Mỹ. Nếu lạm phát và lãi suất ở Mỹ vẫn cao, nhu cầu tiêu dùng dầu thô có thể giảm mạnh. Giá dầu thế giới đã giảm nhẹ sau khi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết họ đang chờ thêm dấu hiệu lạm phát chậm lại trước khi xem xét cắt giảm lãi suất.
Phó Chủ tịch FED Philip Jefferson cho rằng còn quá sớm để biết liệu sự suy giảm lạm phát có lâu dài hay không, trong khi Phó Chủ tịch Michael Barr nhấn mạnh rằng chính sách cắt giảm sẽ cần thêm thời gian. Chủ tịch FED chi nhánh Atlanta, Raphael Bostic, cũng cho biết sẽ “mất một thời gian” để Ngân hàng Trung ương Mỹ tin tưởng vào sự giảm bền vững của lạm phát.
Mặc dù vậy, thị trường dầu khó có thể trải qua “chấn động” lớn trong thời gian tới. Theo Bloomberg, tỷ lệ biến động giá dầu Brent đã đạt mức thấp nhất kể từ năm 2019. Tuy nhiên, giá dầu Brent đã tăng 10% trong năm nay và có thể tiếp tục tăng khi nhiều nước tại Bắc Bán cầu bước vào kỳ nghỉ hè.
Theo: Bloomberg, Reuters
Quick Links
Legal Stuff