Xu hướng Chuyển đổi Năng lượng (CDNL) đang đặt ngành công nghiệp dầu khí trước những thách thức lớn, có thể dẫn đến sự biến đổi sâu sắc từ thượng nguồn đến hạ nguồn. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn đầy cơ hội cho ngành Dầu khí có thể nắm bắt, tiên phong trong các hoạt động CDNL.
Động lực thúc đẩy sự CDNL chính là yêu cầu giảm phát thải carbon và các khí gây hiệu ứng nhà kính từ mọi lĩnh vực hoạt động của con người để chống lại biến đổi khí hậu. Dưới tác động của CDNL, các xu hướng phát triển chính trong ngành công nghiệp dầu khí cũng diễn ra song song với ngành công nghiệp năng lượng tổng thể, bao gồm: sự điện hóa, phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), tiết kiệm năng lượng, di chuyển từ dầu sang khí, tích hợp quá trình lọc - hóa dầu…
CDNL không chỉ ảnh hưởng đến thị trường năng lượng toàn cầu mà còn tác động đến hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). Theo xu hướng CDNL, yêu cầu về việc “làm sạch” nguồn cung năng lượng sẽ dẫn đến việc giảm nhu cầu dầu thô và tăng nhu cầu sử dụng khí thiên nhiên. Đồng thời, điều này tạo áp lực khiến ngành Dầu khí phải áp dụng các giải pháp công nghệ để giảm thiểu lượng phát thải khí nhà kính trong quá trình khai thác dầu khí.
Ở Việt Nam hiện nay, hầu hết các mỏ dầu khí chủ đạo đều đang gặp khó khăn với sự suy giảm sản lượng cao, đòi hỏi phải đầu tư thêm vào các giải pháp công nghệ để tận dụng tối đa quá trình khai thác. Trong khi đó, các mỏ mới đang khai thác chậm do thiếu vốn và vướng mắc về thủ tục đầu tư, gây khó khăn cho việc duy trì và gia tăng sản lượng khai thác, mở rộng hoạt động thăm dò. Các mỏ, vỉa mới dự kiến đưa vào khai thác phần lớn có cấu tạo phức tạp, trữ lượng nhỏ. Với dầu khí còn lại, khí chiếm tỷ trọng lớn hơn dầu, phân bố không đồng đều, tập trung ở vùng nước sâu, xa bờ, có điều kiện địa chất và kỹ thuật khai thác phức tạp, gây nhiều khó khăn và chi phí lớn cho việc phát triển và vận hành mỏ. Do đó, thách thức đối với lĩnh vực thăm dò và khai thác (E&P), ngoài việc tăng sản lượng khai thác dầu - khí, còn là sự cần thiết của các giải pháp công nghệ mới, giảm thiểu rò rỉ khí methane, phát thải CO2, và sử dụng các nguồn NLTT trong hoạt động khai thác.
Đối với hoạt động chế biến dầu khí, xu hướng CDNL đã dẫn đến giảm nhu cầu tiêu thụ các loại nhiên liệu lỏng truyền thống và tăng dần nhu cầu các loại nhiên liệu mới như nhiên liệu sinh học và hydrogen. Thách thức lớn đối diện là sự cạnh tranh giữa nhiều loại nhiên liệu và sản phẩm khác nhau, đòi hỏi sự đổi mới và cải tiến liên tục trong các quy trình sản xuất và phân phối.
Để thích ứng với xu hướng CDNL và đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả, Petrovietnam cần liên tục cải tiến công nghệ, nâng cao hiệu suất sản xuất và vận hành, đồng thời đầu tư vào các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo và hydrogen. Các quyết định chiến lược cần được đưa ra để đối phó với những thách thức và tận dụng những cơ hội trong môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp và biến động.
Quick Links
Legal Stuff