Sáng ngày 23/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp để lấy ý kiến về dự thảo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA).
Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì, với sự tham dự của đại diện từ một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương như Cục Điều tiết Điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Vụ Pháp chế… Ngoài ra, cuộc họp còn có sự tham gia của các tổ chức quốc tế, hiệp hội và tập đoàn nước ngoài.
Tại cuộc họp, đại diện từ Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) đã trình bày dự thảo Nghị định, bao gồm 5 Chương, 30 Điều và 5 phụ lục. Dự thảo này đề cập đến hai chính sách chính về mua bán điện trực tiếp: một là qua đường dây kết nối riêng và hai là qua lưới điện quốc gia.
Ông Trần Việt Hoà, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực phát biểu tại cuộc họp.
Theo dự thảo, việc mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng sẽ được thực hiện đơn giản, với giá điện được thỏa thuận giữa các bên.
Còn mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia là trường hợp phổ biến, thường áp dụng cho các khách hàng ở xa nguồn phát điện. Trong trường hợp này, khách hàng phải thanh toán theo giá thị trường điện giao ngay cộng với các chi phí dịch vụ và các chi phí hợp lý khác.
Cục Điều tiết Điện lực nhấn mạnh rằng việc ban hành Nghị định về cơ chế DPPA sẽ giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý để đạt được nhiều mục tiêu cùng một lúc. Dự thảo này được thiết kế để tuân thủ quy định của Luật Điện lực và các văn bản chỉ đạo liên quan, đồng thời phù hợp với chính sách quốc gia về ưu tiên sử dụng nguồn năng lượng sạch và cam kết giảm phát thải khí nhà kính.
Ông Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực phát biểu
Cuộc họp này cũng nhằm mục đích lấy ý kiến từ các tổ chức và doanh nghiệp nước ngoài, cũng như tiếp tục thu thập ý kiến góp ý từ trước để cơ quan chủ trì có thể hoàn thiện dự thảo và trình Chính phủ theo đúng tiến độ đề ra.
Ảnh: Đình Tuấn/Báo Công Thương
Quick Links
Legal Stuff